CHI TIẾT TIN TỨC HƯỚNG NGHIỆP
Hàng hải “khơi thông” thị trường thuyền viên ()
Nghịch lý thuyền viên “vừa thừa, vừa thiếu”
Ông Võ Hồng Khánh, Giám đốc Công ty CP Đầu tư vận tải biển Tân Đại Dương cho biết, mỗi khi tuyển dụng sỹ quan, thuyền viên rất khó khăn. Quá trình tìm kiếm thuyền viên chủ yếu thông qua các trang tìm kiếm việc làm đại chúng, trang mạng xã hội của DN vận tải biển hoặc qua giới thiệu của bạn bè. Sự hạn chế về thông tin nguồn đồng nghĩa với sự hạn chế về cơ hội làm việc. “Điều này không chỉ khiến ngành hàng hải nói chung và nghề đi biển nói riêng bị “thất thế” do lượng sinh viên theo học ngày càng ít mà còn tác động lớn đến những người đang là thuyền viên. Có những người gắn bó với nghề cả chục năm cũng phải bỏ vì đồng lương hiện tại thấp, bản thân lại không cập nhật được thông tin để chuyển sang DN tốt hơn”, ông Khánh nói.
"Kinh phí xây dựng trang tin “Thuyền viên và việc làm”(http://thuyenvienvavieclam.vinamarine.gov.vn) được Cục Hàng hải VN kêu gọi từ nguồn đầu tư xã hội hóa. Tuy vậy, các DN vận tải/chủ tàu hay thuyền viên không phải bỏ ra bất cứ chi phí nào cho việc đăng tuyển hay tìm việc. Cục Hàng hải VN sẽ tạo điều kiện tối đa để DN, nhất là đội ngũ thuyền viên có được một kênh thông tin việc làm uy tín, an toàn, hiện đại và kịp thời”, Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Xuân Sang cho biết.
Cục Hàng hải VN cho biết, những năm gần đây, do ảnh hưởng suy thoái kéo dài của ngành vận tải biển thế giới, đa số các chủ tàu gặp khó khăn trong việc tuyển dụng thuyền viên làm việc trên tàu biển. Ông Vũ Khang Cường, Trưởng phòng Đăng ký tàu biển và thuyền viên (Cục Hàng hải VN) cho biết, theo thống kê, hiện tổng số giấy chứng nhận khả năng chuyên môn (GCNKNCM) còn hạn sử dụng của thuyền viên, sỹ quan khoảng 40.000 chiếc. Với số lượng tàu biển treo cờ Việt Nam khoảng 1.500 chiếc, số lượng sỹ quan, thuyền viên vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu.
“Nhưng thực tế, các chủ tàu ngày càng khó khăn trong khâu tuyển dụng thuyền viên. Nhiều chủ tàu phải sử dụng thuyền viên nước ngoài, kể cả những chức danh thấp như AB, OS để duy trì hoạt động của đội tàu. Điều đó cho thấy, nhiều thuyền viên có GCNKNCM không còn theo nghề”, ông Cường nói.
Ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết, thị trường thuyền viên Việt Nam hiện nay đang ở tình trạng vừa thừa, vừa thiếu. “Rất nhiều sinh viên hàng hải sau khi tốt nghiệp vì thiếu kênh thông tin việc làm hoặc vướng phải DN thiếu uy tín, trả lương thấp nên đã bỏ việc, làm trái ngành, nghề để có mức thu nhập tốt hơn. Trong khi đó, nhiều chủ tàu ở thời điểm hiện tại mất cả tháng trời cũng không tuyển được một thuyền viên đúng theo nguyện vọng”, ông Sang nói.
Lần đầu mở trang thông tin “Thuyền viên và việc làm”
Trước thực trạng đó, cuối tháng 11/2018, Cục Hàng hải VN xây dựng và vận hành thử nghiệm trang thông tin “Thuyền viên và việc làm” nhằm mang đến một kênh thông tin chính thống, thúc đẩy công tác tuyển dụng và tìm kiếm việc làm của chủ tàu, thuyền viên. Trang tin “Thuyền viên và việc làm” là chuyên trang trên website chính của Cục Hàng hải VN. Mảng việc làm tại đây được được thiết lập thành hai phần rõ rệt: Dành cho nhà tuyển dụng và dành cho thuyền viên.
Khi truy cập trang tin, cùng với việc truy cập, nắm bắt được thông tin tuyển dụng các vị trí mà chủ tàu/nhà tuyển dụng đang cần, tất cả các thuyền viên có thể tự tạo cho mình một bản sơ yếu lý lịch điện tử với đầy đủ thông tin như: Tình trạng sức khỏe, vị trí công việc (Thuyền trưởng, Máy trưởng, Đại phó, Thủy thủ - Thợ máy…), kinh nghiệm làm việc, lịch sử đi tàu, mức lương mong muốn. Hồ sơ của thuyền viên sẽ được lưu lại, công khai trên trang và làm cơ sở đề xuất khi có chủ tàu muốn tuyển dụng vị trí tương ứng.
Tương tự, chủ tàu/DN vận tải biển khi truy cập vào trang “Thuyền viên và việc làm”, ngoài việc có thể đăng tin tuyển dụng, họ cũng sẽ được cung cấp thông tin những vị trí đang có thuyền viên xin ứng tuyển hoặc có thể truy cập vào hồ sơ thuyền viên (có sẵn) để tìm cho đơn vị mình những thuyền viên đáp ứng được yêu cầu nghề nghiệp.
Theo ông Nguyễn Xuân Sang, kênh thông tin “Thuyền viên và việc làm” sẽ giúp tăng tính kết nối giữa thuyền viên, chủ tàu và cơ quan quản lý. Trong đó, Cục Hàng hải VN sẽ cung cấp cho chủ tàu thông tin về thuyền viên. Chủ tàu/DN vận tải biển có thể tìm và bố trí cho thuyền viên một công việc ổn định với mức thu nhập xứng đáng. “Khi công tác tuyển dụng được hoạt động, quản lý theo một thể thống nhất, trơn tru, thuyền viên sẽ có được những lựa chọn tối ưu, môi trường lao động uy tín. Thị trường thuyền viên sẽ có cơ sở để thu hút nguồn nhân lực và sôi động trở lại”, ông Sang nói.
Ông Vũ Khang Cường cho biết, thời gian tới, Cục Hàng hải VN sẽ gửi văn bản đến các DN vận tải biển và chủ tàu thông tin về kênh “Thuyền viên và việc làm” để các DN phổ biến đến thuyền viên và tham gia cập nhật thông tin tuyển dụng trên hệ thống khi có nhu cầu. “Tuy vậy, hiện ở Việt Nam có nhiều trang tin việc làm cho thuyền viên nhưng không ít thuyền viên gặp phải “công ty ma”, đăng tuyển một đằng, nội dung công việc lại một nẻo hoặc đơn vị có quá trình hoạt động thiếu minh bạch. Vì vậy, trước khi phê duyệt tin đăng tuyển của chủ tàu, Cục Hàng hải VN sẽ phân công bộ phận chuyên trách tìm hiểu thông tin về đơn vị đó qua hồ sơ có sẵn và đánh giá của thuyền viên. Nếu đơn vị có lịch sử hoạt động thiếu minh bạch hoặc không đủ uy tín, lập tức tin đó sẽ bị đào thải để giảm rủi ro cho thuyền viên”, ông Cường nói.
Nguồn: Báo Giao thông
Thông kê truy cập
Số người truy cập 53854 |
|
Đang online 156 |